Bắc Kạn: Hiệu quả từ mô hình thương mại hai chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc xây dựng mô hình thương mại hai chiều tại tỉnh Bắc Kạn không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn giúp cung ứng hàng hóa thiết yếu đến tay người dân, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025), Bộ Công Thương đã chủ trì, hỗ trợ các địa phương triển khai nội dung “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Trong đó, hoạt động “Xây dựng mô hình thương mại hai chiều” được xác định là một giải pháp thiết thực.
Tại tỉnh Bắc Kạn, hoạt động này được Sở Công Thương triển khai với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Sau quá trình khảo sát thực tế tại các huyện nhằm thu thập thông tin về vị trí, giao thông, năng lực các đơn vị có tiềm năng triển khai mô hình, Sở Công Thương đã lựa chọn Hộ kinh doanh Trương Văn Phấn – một thương binh, người dân tộc Tày tại thôn Thôm Mò, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông – làm điểm triển khai mô hình thí điểm.
Đây là khu vực thuộc xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có vị trí giao thông thuận lợi, đóng vai trò kết nối các hoạt động mua – bán hàng hóa trong tỉnh. Mô hình được xây dựng trên diện tích 100m², hiện bày bán khoảng 100 mặt hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân địa phương và khu vực lân cận.
Đáng chú ý, cửa hàng trong mô hình được hỗ trợ đồng bộ hệ thống biển hiệu như biển chính ngoài và trong gian hàng, biển Led nhấp nháy nhằm tạo điểm nhấn nhận diện. Trang thiết bị trưng bày gồm 03 tủ kính, 06 giá kệ được thiết kế phù hợp với không gian và phân loại theo từng nhóm hàng hóa, giúp tăng tính chuyên nghiệp, tiện lợi trong lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng. Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá mô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, đồng thời kết nối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để mở rộng chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình thương mại hai chiều tại Bắc Kạn mang lại nhiều lợi ích kép: Một mặt, đây là điểm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng sâu, vùng xa; mặt khác, còn là nơi thu mua, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản vật địa phương như nông sản, thực phẩm, sản phẩm thủ công do chính bà con sản xuất. Qua đó, mô hình không chỉ hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của đồng bào mà còn góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và phát triển vùng miền bền vững.
Việc Bắc Kạn triển khai hiệu quả mô hình thương mại hai chiều là minh chứng cho cách làm sáng tạo, gắn chính sách với thực tiễn và đặt người dân vào vị trí trung tâm trong phát triển kinh tế. Mô hình này đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương khác, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép: phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và đảm bảo an sinh xã hội.